Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Tình yêu và nghị lực


Bài học ý nghĩa về nghệ thuật sống

nếu có lòng
“Nếu có lòng” là bài học về lòng nhân ái. Hãy giúp đỡ những người xung quanh bạn
Xem video clip “Nếu có lòng
Mặt trời đỏ ối đang khuất dần sau rặng cây. Một chàng trai hối hả lái chiếc xe Pontiac cũ kỹ trên con đường rất hẹp. Sinh trưởng ở vùng này, con đường quen thuộc với chàng tới mức không cần nhìn chàng cũng biết từng gốc cây bên kia đường. Bóng đêm mịt mù phủ xuống, trời lất phất mưa, gió thổi lạnh ngắt.
Chợt chàng thấy bên kia đường một bà lão đứng cạnh chiếc xe hơi Mercedes. Không cần hỏi cũng biết nó bị trục trặc. Dừng xe lại, chàng trai bước tới, chiếc Pontiac của chàng vẫn nổ máy hổn hển. Bà lão mỉm cười với chàng nhưng ánh mắt đầy lo lắng. Bà đã đứng đây cả giờ đồng hồ, biết bao nhiêu xe chạy qua nhưng chẳng ai chịu dừng lại giúp bà. Liệu gã trai này có định hại bà? Trong bộ đồ tầm tầm và vẻ mặt thất thểu, hẳn anh ta nghèo khó và đang bị cái đói hành hạ. Chàng trai lên tiếng trấn an: “Cháu tới để giúp bà. Sao bà không ngồi chờ trong xe cho ấm, ngoài trời lạnh lắm. À quên, cháu tên là Joe”.
Tuy xe chỉ bị xẹp bánh nhưng đối với một bà lão, chuyện đó chẳng khác một thảm họa. Joe trải áo chui vào gầm xe. Chỉ 10 phút sau, chàng đã thay xong bánh sơ cua. Người chàng lấm lem, tay trầy trụa. Trong lúc chàng làm việc bà lão quay kính xuống, thò đầu qua cửa xe nói chuyện với chàng. Té ra bà sống ở St. Louis và mới đi qua đây lần đầu. Joe bối rối ngượng ngùng khi bà lão cảm ơn chàng và hỏi chàng định lấy công bao nhiêu tiền. Bà lão nói Joe đừng ngại, đòi bao nhiêu bà cũng trả. Nếu không gặp được chàng, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với bà giữa đêm tối đường vắng như thế này. Thực lòng Joe chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện nhận tiền của bà lão. Sửa xe đâu phải nghề của chàng. Quả là chàng đang thất nghiệp nhưng chàng giúp bà lão chỉ vì thấy tội nghiệp. Vả lại, trong quá khứ biết bao người đã chìa bàn tay hào hiệp cho chàng. Joe từ chối: “Cảm ơn bà. Nếu quả bà có lòng, xin hãy giúp người khác”. Joe chờ xe bà lão đi khuất mới rẽ vào con đường về nhà.
Xe chạy được vài dặm, gặp một quán ăn nhỏ bên đường, bà lão xuống xe. Cô hầu bàn vội chạy lấy khăn cho bà lau mái tóc ướt. Cô vẫn niềm nở và ân cần cho dù đôi chân muốn cứng đờ vì đứng và chạy từ sáng tới giờ. Bà lão tỏ ra ái ngại cho cái bụng bầu chắc cũng đã tới ngày sinh của cô. Bà chợt nhớ tới lời Joe. Ăn xong, bà lão kêu tính tiền và đặt vào đĩa tờ 100 đôla. Khi cô hầu bàn đem tiền thối trở ra, bà lão đã biến mất. Trên bàn chỉ còn lại một mẩu giấy nhỏ. Cô gái rưng rưng đọc:
“Con đừng cảm ơn ta. Ta cũng đã từng được người khác giúp. Nếu con có lòng, xin hãy nhớ tới những người khác”.
Trên đường về nhà, cô hầu bàn nghĩ miên man. Làm sao bà lão biết được rằng vợ chồng cô đang gặp lúc khó khăn. Chồng cô thất nghiệp và tháng sau vợ chồng cô có con? Đi ngang qua công viên, cô gái thấy hai bóng người, một lớn một bé ôm nhau trên ghế đá. Tiếng ru khe khẽ nỉ non trong đêm. “Dù sao thì mình cũng có chỗ ngủ đêm, có việc làm”, cô gái chạnh lòng. Nàng dấn chân, thò tay vào túi rút ra mớ giấy bạc của bà lão tặng cô, đặt xuống bên cạnh người mẹ không nhà đang ru con.
“Đừng cảm ơn tôi. Nếu có lòng…”
Khi cô gái bước vào căn phòng chật hẹp của mình, chồng cô đã ngủ say. Khẽ cởi giày, cô leo lên giường, nhẹ nhàng hôn chàng và nằm xuống. “Về rồi hả cưng. Có chuyện gì không em?”, chồng cô tỉnh giấc khẽ hỏi.
“Không, anh yêu. Mọi việc ổn cả, Joe ạ”.

Bán lược cho sư

Bán lược cho sư
“Bán lược cho sư” là cách tư duy khác về phương pháp bán hàng bằng cách vận dụng linh hoạt chiêu thức Marketing
Xem video clip “Bán lược cho sư
Một công ty nọ muốn tuyển người bán hàng giỏi đã trao cho mỗi người trong hàng trăm ứng viên, 100 chiếc lược và đề nghị họ đến các chùa để bán. Cái oái oăm là ở chùa sư đã xuống tóc, làm gì có nhu cầu sử dụng lược. Mà không có nhu cầu thì sao bán được hàng. Hàng trăm người đã ra đi nhưng hầu hết bó tay. Tuy thế có ba người bán được hàng.
Người thứ nhất mang lược đến chùa vừa chào hàng đã bị các vị sư mắng và cho rằng anh này giễu cợt họ không có tóc, nên đuổi đi. Nhưng anh này vẫn cắn răng chịu đứng cầu xin họ mua lược. Cuối cùng, một vị sư thương tình mua giùm một chiếc lược.
Người thứ hai, sau khi đi vòng quanh một ngôi chùa trên núi, tóc bị gió thổi tung xác xơ, anh ta xin gặp sư trụ trì. Ðược gặp, anh ta chắp tay niệm “nam mô” và thưa rằng: “trên núi cao gió thổi mạnh, các thiện nam tín nữ đến đây dâng hương mà tóc tai rối bù, e không thành kính trước cửa Phật. Xin nhà chùa chuẩn bị một vài chiếc lược để trước lúc dâng hương các phật tử chải tóc cho gọn gàng, không bù rối”. Nghe anh ta nói có lý, sư trụ trì đồng ý mua lược. Nhà chùa có 10 lư hương nên mua 10 chiếc lược cho anh ta.
Còn người thứ ba, anh ta đến thẳng ngôi chùa lớn nhất vùng quanh năm hương khói nghi ngút. Anh xin gặp thượng toạ trụ trì mà thưa rằng: “Bạch thầy, chùa ta lớn nhất vùng, ngày nào cũng có hàng trăm tín đồ đến thắp hương. Phàm là người dâng hương, ai cũng có tấm lòng thành cúng quả. Chùa lớn như chùa ta, thiết tưởng cũng nên có chút tặng phẩm khuyến khích người làm việc thiện. Con có mang theo ít lược của công ty. Thầy có thư pháp hơn người, xin viết lên lược ba chữ “Lược tích thiện” làm tặng phẩm. Món quà này thật nhiều ý nghĩa”. Nhà chùa nghe ra, cũng hứng thú và mua liền 100 chiếc lược làm quà.
Như vậy, trong ba người bán lược cho sư, công ty đánh giá họ thế nào?
Người thứ nhất thuộc mẫu bán hàng cổ điển, cần cù nhẫn nại và kiên trì. Người thứ hai có năng lực quan sát, suy đoán sự việc, dám nghĩ dám làm. Còn người thứ ba, anh ta nghiên cứu phân tích kỹ nhu cầu và tâm lý của đám đông, có ý tưởng tốt, lại có giải pháp cụ thể nên đã mở ra một thị trường tốt cho sản phẩm. Ðây xứng đáng là người bán hàng giỏi của công ty. Anh ta đã được tuyển mộ làm phụ trách bán hàng.
Nhờ có Lược tích thiện làm quà tặng mà một đồn mười, mười đồn trăm, dân chúng đổ về đây dâng hương rất đông, danh tiếng chùa càng lừng lẫy và phương trượng chùa đã ký hợp động mua hàng nghìn chiếc lược của công ty. Rõ ràng, ở một nơi tưởng như không có nhu cầu, nếu chịu khó quan sát, phân tích các mối quan hệ, sẽ có thể phát hiện nhu cầu hoặc tìm cách kích cầu để bán hàng.


Hậu quả của một cơn giận

Kết quả là trong bệnh viện, đứa con trai của ông ta đã mất đi hết các ngón tay của mình do quá nhiều chỗ gãy. Khi đứa con trai nhìn thấy đôi mắt bố mình biểu lộ sự đau đớn, đứa bé bèn hỏi: “Bố ơi ! Khi nào các ngón tay của con mới có thể mọc trở lại ?” Người bố cảm thấy rất đau đớn và không nói được lời nào; ông ta trở lại chiếc xe của mình và đá nó thật nhiều.
Trong khi đang bị lương tâm dằn vặt và đang ngồi đối diện phía hông của chiếc xe đó, ông ta chợt nhìn thấy những vết xước do chính đứa con trai của ông ta đã vẽ rằng: “Bố ơi ! Con yêu Bố nhiều lắm !
Và một ngày sau đó, người đàn ông đó đã quyết định tự sát…
Cơn giận và Tình yêu không bao giờ có giới hạn, nên xin hãy chọn Tình Yêu để được một cuộc sống tươi đẹp và đáng yêu, và xin hãy nhớ điều này: Đồ vật thì để sử dụng, còn con người thì để yêu thương
Vấn đề của thế giới ngày nay thì ngược lại: con người thì để sử dụng, còn đồ vật thì để yêu thương
Hãy luôn cố nhớ những ý nghĩa này :
- Hãy cẩn thận với những ý nghĩ của bạn, vì bạn sẽ nói chúng.
- Hãy cẩn thận với những lời nói của bạn, vì bạn sẽ thực hiện chúng.
- Hãy cẩn thận với những hành động của bạn, vì chúng sẽ là thói quen của bạn.
- Hãy cẩn thận với những thói quen của bạn, vì chúng sẽ là cá tính của bạn.
- Hãy cẩn thận với những cá tính của bạn, vì chúng sẽ quyết định số mệnh của bạn.


Tách cà phê muối

Tách cà phê muối
“Tách cà phê muối” là câu chuyện tình đầy cảm động. Chàng trai đã trọn đời uống cà phê muối để giữ trọn tình yêu của mình dành cho vợ.
Xem video clip “Tách cà phê muối
Anh gặp cô trong một bữa tiệc. Cô nổi bật giữa đám đông. Rất nhiều ánh mắt trìu mến và ngưỡng mộ hướng về phía cô, rất nhiều lời có cánh vây quanh cô. Trong khi, anh chỉ là một người đàn ông bình thường…
Cuối bữa tiệc, anh ngỏ ý mời cô đi uống cà phê. Cô rất ngạc nhiên, nhưng trước vẻ lịch thiệp của anh, cô nhận lời.
Họ ngồi trong một quán cà phê nhỏ. Anh, dường như quá căng thẳng, đến chẳng nói được điều gì. Còn cô, cảm thấy không được thoải mái, đang nghĩ sẽ đề nghị anh đưa về.
Bất chợt anh gọi người phục vụ: “Làm ơn cho tôi chút muối, tôi muốn dùng cà phê với muối!”. Lời đề nghị của anh làm mọi người xung quanh chú ý, mọi ánh mắt đổ dồn về phía anh, ngạc nhiên và giễu cợt. Gương mặt anh chuyển sang màu đỏ. Tuy thế, khi người phục vụ mang muối tới, anh vẫn dùng muỗng để lấy một chút muối bỏ vào ly cà phê của mình, và uống.
Cô tò mò hỏi anh:
- “Vì sao anh lại có sở thích này?”.
Anh giải thích:
- “Khi còn nhỏ, tôi sống gần biển. Tôi rất thích chơi ở biển. Tôi có thể cảm thấy vị của biển – mặn và đắng, giống như vị cà phê có muối. Giờ đây, mỗi lần uống cà phê, tôi đều bỏ muối. Tôi thường nhớ về tuổi thơ của mình, nhớ về quê hương. Tôi rất nhớ quê hương, nhớ cha mẹ tôi, họ vẫn còn sống ở nơi đó”.
Cô nhìn thấy có những giọt nước mắt trên gương mặt anh, khi anh đang nói. Cô cảm nhận rõ sự xúc động từ sâu trong trái tim anh. Một người đàn ông khi phải thốt ra thành lời tình yêu đối với quê hương, chắc phải là một người rất yêu thương và có trách nhiệm với gia đình. Rồi cô cũng bắt đầu nói, về quê nhà xa xôi của cô, về tuổi thơ, về gia đình của cô.
Đó thực sự là một cuộc trò chuyện xúc động, một bước khởi đầu tốt đẹp trong mối quan hệ giữa họ. Và họ tiếp tục hẹn hò. Cô tìm thấy ở anh những gì mình từng mơ ước ở một người đàn ông – một người có đức tính khoan dung, chân tình và chu đáo. Rồi thì, như một câu chuyện tình đẹp: hoàng tử đã cưới người đẹp, họ sống với nhau một cuộc sống hạnh phúc. Cám ơn ly cà phê mặn. Và, mỗi lần pha cà phê cho anh, cô thường bỏ vào chút muối, đúng như anh đã thích.
Sau 40 năm chung sống, anh đã ra đi, để lại cho cô một bức thư:
“Em yêu, hãy tha thứ cho anh, tha lỗi cho sự dối trá của anh. Đó là lời nói dối duy nhất mà anh từng nói với em, rằng anh thích cà phê với muối.
Hãy nhớ lại cái lần đầu tiên chúng ta cùng nhau đi uống, em đã rất ngạc nhiên khi thấy anh đòi bỏ muối vào cà phê. Sự thật là anh muốn yêu cầu một chút đường, nhưng có lẽ do quá bối rối, lại nói thành muối. Ngay lúc đó, anh không thể thay đổi. Anh không bao giờ nghĩ điều đó lại chính là tác nhân đầu tiên làm nên mối gắn kết giữa chúng ta.
Nhiều lần, anh đã cố gắng nhưng vẫn không nói ra được với em, nhưng anh quá sợ, vì anh đã hứa không bao giờ nói dối em. Giờ đây anh sắp lìa bỏ cuộc sống rồi, anh không sợ điều gì nữa, và anh phải nói với em một sự thật:
Cà phê pha với muối không phải là thứ đồ uống anh thích từ khi còn nhỏ như đã từng nói với em, lần đầu tiên dùng nó, anh đã rất khó chịu. Nhưng, từ khi có em, anh đã dùng cà phê mặn trong suốt những tháng ngày còn lại của cuộc đời mình. Và, anh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về những gì anh đã làm để có được em trong cuộc đời này, kể cả việc uống cà phê pha với muối!”.
Nước mắt của cô đã làm nhòe hết bức thư.
Sau này, có người đã hỏi cô:
- “Vị của cà phê với muối như thế nào?”
- “Ngọt” – cô không ngần ngại đáp.


Túi gạo của mẹ

(Nếu bạn rơi nước mắt sau khi đọc tác phẩm này, hãy mạnh dạn nói lên lời yêu thương dành cho mẹ của mình và chia sẻ với các bạn khác nhé!)
Túi gạo của mẹ
“Túi gạo của mẹ” là câu chuyện đẫm nước mắt về tình yêu vô bờ bến của người mẹ luôn sẵn sàng hy sinh vì con.
Nghe radio câu chuyện “Túi gạo của mẹ
Cái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ. Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.
Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị. Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.
Học hết cấp hai, cậu thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oằn lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa chi dưới. Vốn là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin nghỉ học:
– Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra.
– Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.
Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở…
Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần…
Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác bao tải dứa, chân thấp chân cao đến phòng giáo vụ. Chị nộp gạo cho con trai. Chị là người đến muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào.
Thầy Hùng phòng giáo vụ nhìn chị, nói:
-Chị đặt lên cân đi. Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.
Chị cẩn thận tháo túi.
Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng:
-Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn. Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa, đây còn có cả ngô nữa… Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao mà nấu cho các em ăn được. Thầy vừa nói vừa lắc đầu.
– Nhận vào.
Thầy nói, không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh.
Mặt người mẹ đỏ ửng lên. Chị khẽ khàng đến bên thầy nói:
-Tôi có 50.000 đồng, thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy?
-Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước.
Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thải vì chẳng biết làm thế nào. Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.
~*~
Đầu tháng sau, chị lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi gạo ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:
– Chị lại nộp loại gạo như thế này sao? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm cho ngon để các em ăn được? Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được không? Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?
– Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế ! Người phụ nữ bối rối.
– Thật buồn cười cái nhà chị này ! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào ! Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn chị.
Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Chị lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về. Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.
~*~
Lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo. Chị lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ. Bao gạo nặng dường như quá sức với chị.
Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ:
– Tôi đã nói với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận !
Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bừng phát. Chị khóc. Hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ, chị khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.
Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ trẻ khóc tấm tức đến thế.
Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân quắt queo lại.
– Thưa với thầy, gạo này là do tôi… Tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được. Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm… Thầy thương tình, thầy nhận giúp cho. Không nộp gạo, con tôi thất học mất !
Người mẹ trẻ này đều đặn ngày nào cũng thế. Trời còn tờ mờ, khi xóm làng còn chưa thức giấc, chị lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn. Chị đi khắp hang cùng,ngõ hẻm xóm khác xin gạo. Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về. Chị không muốn cho mọi người trong thôn biết.
Lần này người bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng. Thầy đứng lặng hồi lâu rôi nhẹ nhàng đỡ chị đứng lên. Giọng thầy nhỏ nhẹ :
– Chị đứng lên đi, người mẹ trẻ ! Chị làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với chị. Thôi thế này, tôi nhận. Tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này, để trường có chế độ học bổng hỗ trợ cho học sinh vượt khó.
Người mẹ trẻ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt. Chị gần như chắp tay lạy thầy. Giọng chị van lơn:
– Xin thầy. Tôi có thể lo cho cháu, dù không đủ đầy như các bạn nhưng tôi lo được. Khổ mấy, vất vả mấy tôi cũng chịu được. Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này. Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín giùm cho.
Chị kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà chị mang một hàm ơn lớn, đưa tay quệt mắt rồi lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về.
Lòng thầy xót xa.
Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này. Ngoài ra,học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận được học bổng của trường.
Cuối cấp, cậu dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc của trường. Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất của Thủ Đô. Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười sung sướng.
Có một điều rất lạ rằng trên sân khấu hôm ấy, có ba bao tải dứa sù sì được đặt trang trọng ở một góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dể dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc mắc,không hiểu bên trong ấy chứa thứ gì.
Trong buổi lễ trang nghiêm ấy, thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin nuôi con học thành tài.
Cả trường lặng đi vì xúc động. Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng phòng giáo vụ đến mở ba bao tải ấy ra. Đó là ba bao gạo mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi xin về.
Thầy nói:
– Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và nặng tình của người mẹ yêu con hết mực. Những hạt gạo đáng quý này, tiền, vàng cũng không thể mua nổi. Sau đây, chúng tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.
Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc. Cả trường dồn mắt về phía người phụ nữ chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu từng bước khó nhọc bước lên sân khấu.
Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại. Cậu há hốc miệng kinh ngạc. Cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu của cậu.
– Chúng tôi biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động rất mạnh về tâm lý. Thế nhưng, chúng tôi cũng mạn phép được nói ra vì đó là tấm gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Điều đó hết sức đáng quý và đáng được trân trọng vô cùng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người và những nghĩa cử cao đẹp. Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha, người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con em…
Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động. Tai cậu ù đi, cậu chẳng nghe thấy gì nữa cả,mắt cậu nhòe nước. Mẹ cậu đứng đó, gầy gò, khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp, yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến.
Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước đám đông. Run run vì những lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã giành cho mình. Với chị, đơn giản, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà chị giành cho con trai. Chị không nghĩ được thế nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.
Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà mếu máo khóc thành tiếng:
– Mẹ ơi ! Mẹ của con…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét