Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Quy trình lập dự án đầu tư xây dựng


CHƯƠNG III        THỰC HIỆN ĐẦU TƯ


 

1.        NỘI DUNG THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ [01]


           

Nội dung thực hiện dự án đầu tư bao gồm:

-             Xin giao đất hoặc thuê đất (đối với các dự án có sử dụng đất);

-             Xin giấy phép xây dựng (nếu có yêu cầu) và giấy phép khai thác tài nguyên (nếu có);

-             Thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện kế hoạch tái định cư và phục hồi (nếu có), chuẩn bị mặt bằng;

-             Mua sắm thiết bị và công nghệ;

-             Thực hiện việc khảo sát, thiết kế xây dựng;

-             Thẩm định, phê duyệt thiết kế và tổng dự toán, dự toán công trình;

-             Tiến hành thi công xây lắp;

-             Kiểm tra và thực hiện các hợp đồng;

-             Quản lý kỹ thuật, chất lượng thiết bị và chất lượng xây dựng;

-             Vận hành thử, nghiệm thu, quyết toán vốn đầu tư, bàn giao và thực hiện bảo hành sản phẩm.

Trong giai đoạn này các công việc trên có thể thực hiện tuần tự hay gối đầu, xen kẽ tùy theo điều kiện cụ thể của từng dự án do người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định.

 

2.        CÔNG TÁC THIẾT KẾ [06]


 

Các tài liệu về thăm dò, khảo sát định hình, địa chất, thủy văn…dùng cho thiết kế phải do tổ chức có tư cách pháp lý cung cấp.

Việc thiết kế phải theo quy chuẩn của nhà nước ban hành, nếu áp dụng quy chuẩn của nước ngoài thì phải được Bộ Xây Dựng chấp thuận bằng văn bản.

Tổ chức thiết kế hoặc cá nhân có chuyên môn thiết kế phải có đăng ký hoạt động tư vấn tại cơ quan có thẩm quyền và chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng thiết kế, kết quả tính toán, an toàn kết cấu và sự ổn định của công trình bao gồm cả tính chính xác của tiên lượng, dự đoán.

 

2.1.     Nội dung hồ sơ thiết kế


 

Các căn cứ lập thiết kế kỹ thuật: tóm tắt nội dung thiết kế sơ bộ; danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế mẩu áp dụng; yêu cầu về quy hoạch kiến trúc, công nghệ; điều kiện tự nhiên và kỹ thuật.

-         Thiết kế công nghệ: giải pháp công nghệ, dây chuyền công nghệ, các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu; danh mục các máy móc thiết bị công nghệ; giải pháp bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành; quy trình kỹ thuật vận hành, bảo trì công trình.

-         Thiết kế xây dựng: giải pháp kiến trúc phù hợp với quy hoạch, công nghệ, yêu cầu sử dụng, cảnh quan; giải pháp xây dựng; danh mục phần mềm sử dụng, diễn giải các bước tính toán chủ yếu; tổng hợp khối lượng các công tác xây lắp, vật liệu, vật tư, máy móc, thiết bị; chỉ dẩn biện pháp thi công; quy trình kỹ thuật vận hành, bảo trì công trình.

 

2.1.1. Phần thuyết minh


-         Các căn cứ để lập thiết kế kỹ thuật;

-         Thuyết minh thiết kế.

 

2.1.2. Phần bản vẽ


-         Triển khai mặt bằng hiện trạng và vị trí công trình trên bản đồ;

-         Triển khai tổng mặt bằng;

-         Giải pháp kiến trúc; giải pháp xây dựng; chi tiết các liên kết điển hình, các chi tiết phức tạp;

-         Bố trí dây chuyền công nghệ, thiết bị; đảm bảo bản vẽ chi tiết rõ ràng để không nhầm lẫn khi thi công.

 

2.1.3. Phần tổng dự toán

-         Các căn cứ để lập; diễn giải tiên lượng, các phụ lục cần thiết;

-         Tổng dự toán xây lắp thiết bị của từng hạng mục và toàn bộ công trình.

 

2.2.     Thẩm định hồ sơ thiết kế [01-02]


 

2.2.1. Thẩm định thiết kế kỹ thuật

 

          Thiết kế kỹ thuật phải được thẩm định các nội dung sau:

-         Sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật với nội dung đã phê duyệt;

-         Bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động;

-         Sự hợp lý của giải pháp thiết kế;

-         Tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân thiết kế.

 

2.2.2. Thẩm định Tổng dự toán 

         

Phần tổng dự toán của công trình phải được thẩm định các nội dung sau:

-         Áp dụng đúng các định mức, đơn giá;

-         Phù hợp giữa khối lượng thiết kế và đơn giá;

-         So sánh tổng dự toán và tổng mức đầu tư đã được duyệt.

Trên cơ sở thẩm định hồ sơ thiết kế, người có thẩm quyền hay cấp có thẩm quyền sẽ ra quyết định phê duyệt và tiến hành xin giấy phép xây dựng (nếu có).

 

3.        TRƯỜNG HỢP CHỈ ĐỊNH THẦU [05]


 

Là hình thức Chủ đầu tư chọn trực tiếp nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu để thương thảo hợp đồng.

Chủ đầu tư phải căn cứ vào thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán đã được duyệt để thương thảo và ký kết hợp đồng.

          Chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau (trích dẫn):

-           Gói thầu có giá trị dưới 1 tỷ đồng đối với mua sắm hàng hoá xây lắp; dưới 500 triệu với gói thầu tư vấn.

-           Gói thầu có tính chất đặc biệt khác do yêu cầu của cơ quan tài trợ vốn, do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, do người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định chỉ định thầu trên cơ sở báo cáo thẩm định của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài trợ vốn và cơ quan có liên quan khác.

-            Gói thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi của dự án.

 

4.        TRƯỜNG HỢP THỰC HIỆN ĐẤU THẦU (EPC)


 

4.1.     Mục tiêu, cơ sở và quy trình thực hiện [04]


 

Mục tiêu của công tác đấu thầu là nhằm thực hiện tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch để lựa chọn nhà thầu phù hợp, bảo đảm hiệu quả kinh tế của dự án.

          Việc đấu thầu được thực hiện trên cơ sở từng gói thầu.

          Quy trình của đấu thầu bao gồm:

-           Chuẩn bị đấu thầu;

-           Tổ chức đấu thầu;

-           Xét thầu;

-           Thẩm định và phê duyệt;

-           Công bố trúng thầu;

-           Thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký hợp đồng.

 

4.2.      Các điều kiện thực hiện đấu thầu [04-05]


-           Có văn bản quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư;

-           Kế hoạch đấu thầu đã được duyệt;

-           Hồ sơ mời thầu đã được duyệt.

 

4.2.1. Các điều kiện của nhà thầu [04-05]

-           Có giấy đăng ký kinh doanh; đối với đấu thầu mua sắm thiết bị phức tạp thì còn phải có giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất;

-            Có năng lực về kỹ thuật và tài chính để thực hiện gói thầu;

-            Chỉ được tham gia một đơn dự thầu trong một gói thầu, dù là liên danh hay đơn phương dự thầu;

-            Trường hợp Tổng Công ty đứng tên dự thầu thì các đơn vị trực thuộc không được phép tham dự với tư cách là nhà thầu độc lập trong cùng một gói thầu;

-            Bên mời thầu cũng không được tham gia với tư cách là nhà thầu đối với các gói thầu do mình tổ chức.

 

4.3.     Xử lý các tình huống trong đấu thầu


 

Trường hợp có lý do điều chỉnh giá gói thầu hoặc nội dung gói thầu, bên mời thầu phải tiến hành thủ tục điều chỉnh kế hoạch đấu thầu trước khi trình duyệt kết quả đấu thầu.

Trường hợp có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu thì bên mời thầu phải báo cho người có thẩm quyền hay cấp có thẩm quyền về quá trình chuẩn bị đấu thầu để quyết định cho phép kéo dài thời gian đóng thầu nhằm tăng hồ sơ dự thầu hay tiến hành đánh giá hồ sơ dự thầu đã nộp.

Trong trường hợp giá dự thầu của tất cả các hồ sơ dự thầu đã sửa lỗi số học và bổ sung hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu đều vượt quá giá gói thầu trong kế hoạch, thì bên mời thầu phải báo cáo với người có thẩm quyền hay cấp có thẩm quyền xem xét việc cho phép các nhà thầu có hồ sơ dự thầu đáp ứng cơ bản của hồ sơ mời thầu được chào lại giá hoặc cho phép đồng thời với việc chào lại giá sẽ xem xét giá gói thầu đã duyệt và nội dung hồ sơ mời thầu (nếu cần).

Trong trường hợp giá đề nghị ký hợp đồng vượt giá trúng thầu thì bên mời thầu phải báo cáo người có thẩm quyền (nếu giá đề nghị ký hợp đồng vượt quá giá gói thầu) hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền (nếu giá đề nghị ký hợp đồng thấp hơn giá gói thầu) để xem xét, quyết định.

 

4.3.1. Trường hợp loại bỏ hồ sơ dự thầu


 

-           Không đáp ứng các điều kiện tiên quyết nêu trong hồ sơ mời thầu.

-           Không đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kỹ thuật, tiến độ và các điều kiện tài chính thương mại.

-           Nhà thầu không chấp nhận sửa lỗi số học do bên mời thầu phát hiện ra.

-           Có tổng giá trị sai lệch vượt quá 10% giá dự thầu.

 

4.4.     Điều kiện hủy đấu thầu [04-05]


 

          Hủy đấu thầu được áp dụng đối với một trong những trường hợp sau:

-           Thay đổi mục tiêu đã được nêu ra trong hồ sơ mời thầu vì những lý do khách quan;

-           Tất cả các hồ sơ mời thầu không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

-           Có bằng chứng cho thấy các nhà thầu có sự thông đồng tiêu cực làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên mời thầu.

 

5.        HỢP ĐỒNG EPC [01-02]


 

Trong hợp đồng phải ràng buộc đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm giữa Chủ đầu tư và nhà thầu. Đối với hợp đồng Xây lắp, phải có đảm bảo về đền bù, giải tỏa mặt bằng để nhà thầu có thể triển khai hợp đồng theo đúng tiến độ quy định.

Trước khi trình kết quả đấu thầu để cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chủ đầu tư phải làm rõ các nội dung hợp đồng với nhà thầu được đề nghị xét trúng thầu.

 

5.1.     Hợp đồng trọn gói [01-02]


 

Hợp đồng theo giá khoán gọn, áp dụng cho những gói thầu được xác định rõ về chất lượng và thời gian;

Trường hợp có những phát sinh ngoài hợp đồng nhưng không do nhà thầu gây ra thì sẽ được người có thẩm quyền, cấp có thẩm quyền quyết định.

 

5.2.     Hợp đồng chìa khoá trao tay (Hợp đồng EPC) [20]


 

Hợp đồng bao gồm toàn bộ các công việc thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp của một gói thầu được thực hiện thông qua một nhà thầu.

 

5.2.1. Một số nội dung triển khai thực hiện hợp đồng EPC


 

Để thực hiện dự án, gói thầu theo hình thức hợp đồng EPC, Chủ đầu tư dự án cần phải làm một số công việc sau:

-           Lập Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư: Căn cứ vào Báo cáo nghiên cứu khả thi và Tổng mức đầu tư của dự án được duyệt, Chủ đầu tư lập Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư; Nội dung của hồ sơ này là một bộ phận của Hồ sơ mời thầu EPC;

-           Chuẩn bị tài liệu thiết kế:

    Trường hợp Chủ đầu tư có sẵn Thiết kế kỹ thuật-Tổng dự toán thì việc giao thầu EPC thực hiện trên cơ sở Thiết kế kỹ thuật-Tổng dự toán đã được phê duyệt.

    Trường hợp Chủ đầu tư giao cho Tổng thầu lập Thiết kế kỹ thuật trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư.

-           Thẩm định Thiết kế kỹ thuật-Tổng dự toán;

-           Phạm vi thực hiện công việc của hợp đồng EPC bao gồm: hạng mục chính, các hạng mục công trình khác để đảm bảo vận hành sử dụng đồng bộ, hoàn chỉnh toàn bộ công trình theo thiết kế được duyệt

-           Lựa chọn Tổng thầu EPC:

    Chủ đầu tư lựa chọn Tổng thầu qua Chỉ định thầu hay đấu thầu trên cơ sở xem xét, chấp nhận đề xuất mức độ đáp ứng yêu cầu của dự án; việc chỉ định thầu phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư  chấp nhận trên cơ sở văn bản đề nghị chỉ định thầu của chủ đầu tư;

    Nhà thầu hay liên danh các Nhà thầu được chọn làm Tổng thầu phải có đăng ký kinh doanh phù hợp với nội dung công việc của dự án; trường hợp Tổng thầu là liên danh thì phải có một Nhà thầu chịu trách nhiệm chung và có cam kết thực hiện công việc theo phần giao trách nhiệm giữa các nhà thầu;

    Có khả năng đáp ứng các yêu cầu tài chính của dự án, gói thầu.

 

5.3.     Hợp đồng điều chỉnh giá [01-02]


 

Áp dụng cho những gói thầu mà tại thời điểm ký kết không đủ điều kiện xác định chính xác về số lượng và khối lượng hay có biến động lớn về giá cả do chính sách của nhà nước thay đổi và hợp đồng có thời gian thực hiện trên 12 tháng.

Tuân theo các quy định sau:

-           Trong hồ sơ mời thầu có quy định rõ điều kiện, giới hạn các phần việc hoặc hạng mục được điều chỉnh và công thức điều chỉnh giá.

-           Có khối lượng, số lượng phát sinh.

-           Khi có biến động về giá do chính sách của Nhà nước thay đổi với các yếu tố nhân công, nguyên vật liệu và thiết bị của những hợp đồng có điều chỉnh giá với thời gian thực hiện trên 12 tháng, trượt giá chỉ tính từ tháng 13 kể từ thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng.

-           Giá trị của hợp đồng sau khi được điều chỉnh không được vượt quá tổng dự toán, dự toán hay giá gói thầu được xác định trong kế hoạch đấu thầu đã được duyệt.

 

6.        ĐIỀU KIỆN KHỞI CÔNG CÔNG TRÌNH [01-02]


 

Tất cả công trình khi khởi công phải có đủ các điều kiện sau:

-           Có giấy phép xây dựng (đối với các dự án phải có giấy phép xây dựng).

-           Có hợp đồng giao nhận thầu xây lắp hợp pháp.

-           Hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sử dụng đất theo quy định của Pháp luật.

-           Bảo đảm có vốn để thanh toán theo tiến độ thực hiện trong hợp đồng giao nhận thầu.

-           Phải có thiết kế kỹ thuật và dự toán hạng mục khởi công được người có thẩm quyền phê duyệt và hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp.

 

7.        QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH [06-07]


 

7.1.     Nội dung

 

Chất lượng công trình xây dựng là những yêu cầu tổng hợp về đặc tính an toàn, bền vững, kỹ thuật và mỹ thuật của công trình phù hợp với quy chuẩn áp dụng, tiêu chuẩn kỹ thuật và hợp đồng kinh tế.

Quản lý chất lượng công trình là tập hợp các biện pháp như: lập kế hoạch chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải thiện chất lượng công trình.

Đảm bảo chất lượng công trình là toàn bộ các giai đoạn tiến hành trong tất cả các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc xây dựng một cách có kế hoạch, hệ thống.

 

7.2.     Yêu cầu đối với công tác giám sát tác giả thiết kế


 

Đơn vị thiết kế phải cử người có chuyên môn và năng lực giám sát tác giả công trình theo các nội dung sau:

-           Giải thích tài liệu thiết kế công trình cho chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp để quản lý và thi công theo đúng yêu cầu của thiết kế;

-           Theo dõi, phối hợp giải quyết các vướng mắc, thay đổi, phát sinh về thiết kế trong quá trình thi công;

-           Kiểm tra và tham gia nghiệm thu các kết cấu chịu lực chính, bộ phận và các hạng mục quan trọng;

-           Giám sát thường xuyên đối với các trường hợp thi công các kết cấu, các bộ phận và hạng mục quan trọng được thiết kế theo công nghệ tiên tiến;

-           Tham gia nghiệm thu các giai đoạn xây lắp, nghiệm thu, chạy thử thiết bị, nghiệm thu hoàn thành hạng mục và toàn bộ công trình.

 

7.3.     Yêu cầu đối với công tác giám sát của chủ đầu tư


 

7.3.1. Giai đoạn chuẩn bị thi công


-            Kiểm tra quy cách, chủng loại vật tư, các thiết bị sẽ sử dụng trong công tác xây lắp, đảm bảo đúng hồ sơ thiết kế;

-           Kiểm tra các biện pháp thi công, an toàn lao động.

 

7.3.2. Giai đoạn thực hiện thi công


-           Giám sát thường xuyên công việc thi công, lắp đặt thiết bị của nhà thầu;

-           Kiểm tra tiến độ, biện pháp thi công, an toàn;

-           Xác nhận về khối lượng xây lắp theo giám sát;

-           Lập báo cáo chất lượng, khối lượng và tiến độ;

-           Phối hợp với các bên giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thi công;

-           Với các hạng mục có hiện tượng giảm chất lượng, có độ lún hay biến dạng vượt quá cho phép của thiết kế hoặc theo tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng thì trước khi nghiệm thu phải có ý kiến bằng văn bản của đơn vị thiết kế hay của các đơn vị tư vấn có chức năng đánh giá các tác động trên đối với công trình.

                       

7.3.3. Giai đoạn hoàn thành công trình


 

-           Kiểm tra, lập toàn bộ hồ sơ pháp lý và tài liệu quản lý chất lượng đối với công trình;

-           Sau khi kiểm tra, nghiệm thu hạng mục thi tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình.

 

7.4.     Yêu cầu đối với công tác tự kiểm tra chất lượng của nhà thầu


-           Chấp hành đúng yêu cầu thiết kế được duyệt và các cam kết trong hợp đồng giao nhận thầu;

-           Thực hiện các quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành và quản lý chất lượng chuyên ngành kỹ thuật;

-           Báo cáo đầy đủ quy trình, phương án và kết quả tự kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện và sản phẩm xây dựng với chủ đầu tư để kiểm tra và giám sát;

-           Nhà thầu xây lắp chỉ đề nghị chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu các công tác xây lắp đã hoàn thành sau khi bộ phận chuyên trách kiểm tra chất lượng của nhà thầu đã kiểm tra và xác nhận.

 

Liên hệ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM:

CÔNG TY CP TV ĐẦU TƯ VÀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG MINH PHƯƠNG

Địa chỉ: Số 156 – 158  Nguyễn Văn Thủ, P Đa Kao, Q 1, TPHCM

Chi nhánh: 2.14 Chung cư B1,số 2 Trường Sa, P 17, Q Bình Thạnh, TPHCM

ĐT: (08) 35146426 - (08) 22142126  – Fax: (08) 39118579 - Hotline 090 3649782 - 0907957895


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét